SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
2
5
7
0
5
Các lĩnh vực khác 20 Tháng Hai 2009 5:25:00 CH

Chuyên đề: Bã thải từ hầm biogas. Một nguồn phân hữu cơ sạch cho sản xuất nông nghiệp.

Dự án vệ sinh môi trường nông thôn của thành phố Hồ Chí Minh góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường của chính phủ trong giai đoạn 2010 đến 2020 với định hướng chính là “Hạn chế gây ô nhiễm, cải tạo các khu vực đã xuống cấp và cải thiện chất lượng môi trường đảm bảo phát triển bền vững của đất nước và đảm bảo mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường an toàn về không khí, đất và nước theo tiêu chuẩn đã ban hành của Chính phủ”

Trong đó công trình xây dựng thiết bị khí sinh học (biogas) cũng góp phần thực hiện văn kiện dự án “Kế hoạch hành động Năng lượng tái tạo” của Bộ Công nghiệp thông qua việc phát triển khí sinh học như một nguồn năng lượng hiệu quả trong sinh hoạt cung cấp cho khu vực nông thôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình phát triển kinh tế trang trại, mở rộng chăn nuôi ở nhiều loại hình và quy mô, trong đó công nghệ khí sinh học có thể giúp quản lý phân chuồng, xử lý chất thải đồng thời sản xuất ra nguồn năng lượng tái tạo từ quá trình xử lý chất thải. Ngoài ra, bã thải khí sinh học khi sử dụng đúng cách sẽ là loại “phân hữu cơ” sạch và giàu dinh dưỡng giúp nâng cao năng suất, chất lượng rau, quả và cải tạo đất, kiểm soát sâu bệnh góp phần xoá đói giảm nghèo, giảm chi phí lao động và tạo việc làm hữu ích cho lao động nông thôn, như thợ xây dựng, bảo hành, lắp đặt công trình, chăn nuôi, làm vườn và giúp cho người phụ nữ bớt đi nhọc nhằn trong công việc nội trợ.

Kính thưa bà con,

Khi chúng ta xây dựng một thiết bị khí sinh học sẽ thu được hai loại sản phẩm:

- Khí gas: phục vụ nhu cầu làm chất đốt mà các tiện ích của nó đã được trao đổi trong các chuyên đề trước với bà con.

- Bã thải sau khi đã qua quá trình phân hủy kỵ khí cho khí gas

Sau đây chúng ta cùng trao đổi về những lợi ích từ bã thải khí sinh học mang lại trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Bã thải khí sinh học là một loại phân hữu cơ nên nó không những có những đặc tính của loại phân hữu co truyền thống mà còn có nhiều ưu điểm khác do kết quả của quá trình phân hủy kỵ khí. Trong quá trình này các chất dinh dưỡng về cơ bản được bảo tồn trong bãi thải ngoại trừ một số các nguyên tố như carbon, hydro và oxy được chuyển hóa thành khí methan và dioxyt carbon. Một số chất dinh dưỡng dễ hoà tan vẫn còn lại trong bã thải lỏng, đồng thơi một số chất thải rắn hữu cơ và vô cơ trong bã thải đã phân hủy hấp thụ được một lượng lớn các chất dinh dưỡng hữu ích. Vì vậy, các chất dinh dưỡng có trong bã thải khí sinh học cao hơn so với phân chuồng và phân ủ theo phương pháp thông thường, ngoài các nguyên tố dinh dưỡng như N, P, K  bã thải khí sinh học còn chứa nhiều chất hữu cơ và các nguyên liệu cần thiết cho cây trồng như là các axit Humic, Cellulose, Hemicellulose, lignin nên nó có tác dụng cải tạo đất tốt hơn phân ủ.

Do có những đặc tính như trên nên bã thải khí sinh học được sử dụng làm phân bón cho cây trồng sẽ mang lại hiệu quả lớn.

Bã thải khí sinh học có hai dạng:

- Bã thải lỏng: gồm các chất hòa tan và lơ lững

- Bã thải đặc: phần váng và phần lắng đọng ở đáy thiết bị.

Hầu hết các thiết bị khí sinh học quy mô nhỏ hoạt động theo kiểu liên tục nên bã thải lỏng được đẩy ra thường xuyên với số lượng nhỏ, hàm lượng chất khô vào khoảng 6 -10% nên có thể sử dụng trực tiếp hoặc tích trữ lại một thời gian. Bã thải đặc nằm trong thiết bị và được lấy ra theo định kỳ bảo dưỡng hầm biogas.

Sau đây chúng ta tham khảo những kết quả thu được thông qua thử nghiệm tại các mô hình tại các tỉnh do Dự án khí sinh học - Cục Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Tổ chức hợp tác phát triển Hà Lan thực hiện.

1. Mô hình: Sử dụng bã thải khí sinh học vào nuôi trùn Quế tại hộ ông Phạm Văn Thời ngụ tại ấp Dương Phú, thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang. Ông Thời đã đăng ký xây dựng hầm khí sinh học với thể tích là 20,6m3  với qui mô chăn nuôi: hơn 200 con heo thịt, 30 heo nái sinh sản, 500 gà mái đẻ, 200m2 nuôi trùn quế và 500m2 mặt nước ao nuôi cá bống tượng.

Quá trình ứng dụng đã được Ông thực hiện như sau: nước thải thu được từ hầm lắng của công trình khí sinh học được dẫn vào ao có diện tích 500m2; sau đó mỗi ngày ông tưới vào những ô nuôi trùn quế một lần thay cho tưới nước thường. Kết quả theo dõi cho thấy: Sản lượng trùn thương phẩm cao hơn hẳn khi sử dụng nước tưới thông thường.

Nguyên nhân là do trong nước thải thu được từ công trình khí sinh học có chứa một lượng đạm hữu cơ cao hơn từ 1,2 – 1,5 lần so với phân gia súc ủ theo phương pháp khác sử dụng làm môi trường nuôi trùn quế (Theo kết quả nghiên cứu được công bố: lượng đạm trong bã thải của công trình khí sinh học chỉ giảm 10% so với tổng số trong lúc đó các phương pháp ủ khác giảm 25 – 30%, thậm chí đến 50%). Kết quả là trong năm 2006, ngoài thu lãi từ chăn nuôi heo, gà và cá bống tượng ông còn thu thêm khoảng 20.000.000 đồng từ tiền bán trùn thương phẩm. Trong năm 2007, ngoài việc tiếp tục mở rộng mô hình nuôi trùn quế, Ông Thời cũng đang thử nghiệm sử dụng phần bã thải rắn thu được từ công trình khí sinh học trộn với lớp vụn vỏ dừa đưa vào làm môi trường nuôi trùn và làm phân bón hữu cơ nhằm làm gia tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng cho đất, đồng thời về lâu dài cũng làm tăng tỉ lệ mùn và tích lũy được nhiều nguyên tố P, K tổng số cho đất, tạo tiền đề cho đất có độ phì nhiêu cao hơn (nguồn Nguyễn Phan Hồng Phương, Kỹ thuật viên KSH huyện Gò Công Đông).

2. Tại tỉnh Bình Định xây dựng mô hình sử dụng bã thải lỏng tưới cho khổ qua (hoà với nước lã theo tỷ lệ 1:1) và bón bằng bã thải đặc tahy thế cho 70% tổng lượng phân bón lót. Kết quả cho thấy việc sử dụng bã thải KSH giúp tăng năng suất 119%, giảm sâu bệnh 20%, lợi nhuận tăng 3,1 lần so với đối chứng. Với mô hình cỏ voi cho thấy trong khoảng thời gian thực hiện là 6,5 tháng đã tiết kiệm được khoảng 20 kg phân u rê, tương đương 130.000đ cho 500m2. Với mô hình trồng nấm rơm, nước xả được sử dụng để tưới ẩm cho rơm và cung cấp dinh dưỡng cho nấm phát triển. Mô hình được thực hiện hai lần: lần 1 bổ sung 15% nước xả, lần 2 bổ sung 10% nước xả. Kết quả thực hiện cho thấy, năng suất tăng 15% so với đối chứng.

Tại thành phố Hồ chí Minh trong Chương trình Năng suất xanh do Trung tâm năng suất Việt nam và Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố phối hợp thực hiện triển khai mô hình xây dựng hầm biogas cỡ nhỏ kiểu Thái Lan - Đức quy mô 8 m3 tại hộ bà PHẠM THỊ HƯƠNG, ngụ tại ấp Trảng lớn xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi. Ngoài việc cung cấp khí gas phục vụ cho việc đun nấu và thắp sáng trong gia đình. Bà Hương còng sử dụng bã thải từ hầm biogas làm phân bón cho mảnh vườn 1,9 ha trồng cây ăn trái và tre Tàu của mình gồm:

- 300 gốc bưởi: 100 gốc bưởi da xanh và 200 gốc bưởi Năm roi.

- 200 bụi tre Tàu.

Trước kia mỡi năm gia đình phả chi phí hết 7 triệu tiền phân bón và 2,5 triệu tiền thuốc bảo vệ thực vật (năm 1.999 – 2.002), kể từ khi tham gia Chương trình Năng suất xanh năm 2002 gia đình đã tiết kiệm mỗi năm tổng cộng: 12.020.000đ.

- Từ tiền không phải mua gas công nghiệp phục vụ cho gia đình có 8 nhân khẩulà 12 bình (loại 13kg) x 210.000đ = 2.520.000đ

- Tiền phân bón và thuốc BVTV không phải mua: 9.500.000đ.

Năng suất lại tăng lên 20% và chất lượng các loại sản phẩm đều đựơc các thương lái ưa chuộng và đi đến tận nhà vười đặt mua.

Về kết quả sản xuất trong 10 tháng đầu năm 2008, gia đình thu được như sau:

- Tiền bán măng tre Tàu: 12.000.000đ

- Tiền bán bưởi: 660 triệu đồng

+ Buởi da xanh (12.000đ/kg – 200 kg/cây/vụ): 240 triệu đồng.

+ Buởi năm roi (6.000đ/kg – 350 kg/cây/vụ): 420 triệu đồng.

Mà gia đình không phải tốn kém chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhất là sản phẩm thu được là sản phẩm sạch cũng có thể xem là sản phẩm hữu cơ rất phù hợp với xu hướng sản xuất theo hướng GAP hiện nay.

Thưa bà con như đã trình bày ở trên, bã thải từ hầm khí sinh học (biogas) là một dạng phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng vừa cho tăng năng suất vừa nâng cao chất lượng nông sản mà còn bảo vệ môi trường sống chung cho cộng đồng.

Mọi thắc mắc, bà con có thể liên lạc với chúng tôi để được hướng dẫn thêm tại:

Phòng vệ sinh môi trường

Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn

thành phố

số 27 đường Hữu Nghị, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức

Hoặc qua số điện thoại: (08) 38.966.826

                                                   CNSH. HỒ CHÍ TUẤN

 


Số lượt người xem: 28666    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm