SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
2
3
2
5
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 25 Tháng Giêng 2005 2:40:00 CH

Ngành Nông nghiệp và PTNT thành phố Hồ Chí Minh, một năm nhìn lại.

-
 
   

 

Cuối cùng thì năm 2004 đầy sóng gió đối với ngành nông nghiệp thành phố cũng đã qua đi. Ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã phải đối đầu với dịch cúm gia cầm, bệnh đốm trắng phát sinh trên những diện tích nuôi tôm sú trái vụ ở Nhà Bè, Cần Giờ, tình hình nắng hạn vụ Đông Xuân … bên cạnh đó giá cả các loại vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp và hiện nay là nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trở lại.

Tuy vậy, ngành nông nghiệp thành phố cũng đã vượt qua mọi khó khăn, bất lợi, tiếp tục phát triển và đã đạt được những thành tựu. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp năm 2004 ước đạt 2.578,3 tỉ đồng (theo giá cố định 1994), đạt tốc độ tăng trưởng 3,4%, trong đó giá trị sản xuất của ngành trồng trọt và chăn nuôi xấp xỉ cùng kỳ 2003, ngành thủy sản đạt 857,1 tỉ, tăng 6,1%, riêng dịch vụ nông lâm ngư nghiệp, đặc biệt là dịch vụ thủy sản tăng 41%. Một điểm đáng lưu ý, năm 2004 là năm chấm dứt thời kỳ sụt giảm của ngành trồng trọt từ năm 2000 đến nay, đó là kết quả bước đầu của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích gieo trồng những loại cây có giá trị thấp, phát triển diện tích rau an toàn, hoa, cây kiểng … là những cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Trong năm qua, chương trình mục tiêu phát triển hai cây, hai con tiếp tục phát triển ổn định.

Diện tích gieo trồng rau an toàn trên địa bàn thành phố từ 1.636 ha (năm 2003) đến nay đã đạt 4.390 ha, bên cạnh đó thành phố đã bước đầu triển khai chương trình liên kết với các tỉnh trong việc quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả và sản xuất kinh doanh rau an toàn.

Dứa Cayene hiện đang phát triển ổn định với diện tích khoảng 400 ha tại huyện Bình Chánh.

Đàn bò sữa thành phố đến nay ước khoảng 51.000 con. Để phục vụ chăn nuôi bò sữa, diện tích trồng cỏ đã được phát triển khoảng 1.600 ha, đối với những đồng cỏ cao sản, mỗi năm có thể đạt được năng suất 300 tấn/ha. Đến nay, thành phố đã bình tuyển được khoảng 27.300 con bò sữa, hướng phát triển kế tiếp là nâng cao năng suất và chất lượng sữa thông qua biện pháp gieo tinh bò cao sản, năng suất có thể đạt đến 10.000 kg/chu kỳ/con.

Nghề nuôi tôm sú tiếp tục phát triển tại Nhà Bè, Cần Giờ với trên 4.100 hộ nuôi, diện tích nuôi tôm trong năm đạt 5.760 ha, sản lượng tôm sú đạt 7.720 tấn, tăng 14,5% so năm 2003. Để phục vụ cho việc phát triển ngành thủy sản lâu dài, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch vùng nuôi thủy sản khoảng 7.000 ha tại 4 xã phía Bắc Cần Giờ, quy hoạch vùng nuôi tôm 1.000 ha xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, quy hoạch hệ thống thủy lợi vùng nuôi tôm Cần Giờ … cùng với một số dự án sản xuất và thuần dưỡng giống thủy sản tại Củ Chi, Cần Giờ.

Bên cạnh những cây trồng, vật nuôi truyền thống, kể từ năm 2003, thành phố đã mở rộng phát triển đối với các loại cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao như hoa, cây kiểng, cá cảnh, một số loại lâm, thủy đặc sản khác (ba ba, cá sấu, trăn, nhím ...). Một số loại vật nuôi đã được quan tâm, tiến hành điều tra, khảo sát và xây dựng thành chương trình phát triển lâu dài như nuôi cá sấu ... Việc mở rộng phát triển các loại cây, con mới ngoài mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn có ý nghĩa trong việc tạo nên những đặc trưng đầu tiên của một nền nông nghiệp đô thị và phục vụ đô thị. Theo đó, nông nghiệp tại một thành phố lớn không chỉ phục vụ nhu cầu về lương thực, thực phẩm mà còn phục vụ cho những nhu cầu cao hơn, nhu cầu về văn hóa, giải trí.

Công tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn rất được chú trọng. Trong năm, thành phố đã bố trí khoảng 337 tỉ đồng vốn đầu tư cho các công trình, dự án do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ quản đầu tư. Một số công trình, dự án đã hoàn thành trong năm như: công trình nạo vét, cải tạo kênh 19/5, kiên cố hóa kênh loại 1, hệ thống kênh Đông, Củ Chi, dự án xây dựng Hồ cảnh quan mô phỏng Biển Đông ... Hiện nay, ngành nông nghiệp đang tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm thuộc chương trình giống cây, giống con chất lượng cao, chương trình mục tiêu phát triển các loại cây, con chủ lực như Dự án đầu tư Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Thủy sản thành phố, Dự án đầu tư Trung tâm giống thủy sản nước ngọt (Củ Chi), Dự án Trung tâm giống thủy sản nước mặn (Cần Giờ), dự án đầu tư cơ sở Trung tâm Quản lý, Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi …

Trong năm qua, ngành nông nghiệp có một số đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được xét duyệt và nghiệm thu như “Xây dựng mô hình công nghệ cao phát triển đàn bò sữa qui mô cấp xã”, “Xây dựng đàn bò sữa hạt nhân ứng dụng phương pháp truyền cấy phôi tại TP.HCM” … Nhìn chung, những đề tài này phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của ngành và đã đáp ứng được một phần nhu cầu của người nông dân, các cơ sở sản xuất. Hiện tại, ngành nông nghiệp thành phố đang có nhu cầu rất lớn đối với những đề tài nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế, thị trường tiêu thụ, bảo quản nông sản sau thu hoạch …

Năm qua, thành phố đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn nước ngoài đến tìm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp như Úc, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Ý, Lào, Nhật, Hàn Quốc, Canada, Na Uy, Tiệp Khắc, Cuba, Israel … thông qua đó đã thu hút được nhiều dự án hợp tác và viện trợ. Chương trình hợp tác với các tỉnh hiện đang tiến triển thuận lợi, thành phố đã xây dựng và triển khai nội dung chương trình hợp tác kinh tế, xã hội nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng, với các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đaklak, Đaknông, Đồng Nai, Hải Phòng, Bình Định, Quảng Bình … Nội dung hợp tác theo hướng thành phố cung cấp giống cây con và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; trao đổi kinh nghiệm trong công tác khuyến nông, phát triển hai cây, hai con, phát triển kinh tế tập thể … và đặc biệt phối hợp trong công tác thú y, bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng giống, thức ăn gia súc, phân bón …

Năm 2004, tại thành phố đã diễn ra nhiều hội chợ, triển lãm chuyên ngành nông nghiệp như Hội chợ và triển lãm nông nghiệp TP.HCM tại chợ đầu mối nông sản Tam Bình, Thủ Đức; Hội chợ và triển lãm VINAFISH 2004 tại công viên văn hóa Tao Đàn; Hội chợ, triển lãm Nông nghiệp quốc tế năm 2004 tại Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ …

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 29 hợp tác xã và Liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (trong năm 2004 có 3 hợp tác xã được thành lập mới). Tổng doanh thu trong năm đạt 102 tỉ đồng, tăng 7,9% so cùng kỳ 2003. Hầu hết các hợp tác xã phát triển theo hướng kết hợp các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và thương mại, thúc đẩy phát triển các ngành nghề nông thôn như dịch vụ cây kiểng, cá cảnh, dịch vụ về giống, phân bón, tiêu thụ, chế biến nông sản … Bên cạnh đó, các loại hình hợp tác khác như tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông VAC, câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cũng được chú trọng phát triển, toàn thành phố hiện có khoảng 431 tổ hợp tác với 16.000 tổ viên tham gia, hợp tác về trồng rau, nuôi thủy sản, chăn nuôi …

Năm 2004 qua đi, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp thành phố vẫn tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi, giảm diện tích gieo trồng cây hàng năm, thay vào đó là phát triển những cây trồng, vật nuôi mới, tại khu vực ngoại thành đã hình thành và phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (nuôi bò sữa, nuôi tôm sú thâm canh, trồng rau an toàn, hoa, cây kiểng, nuôi cá cảnh, lâm đặc sản …). Thu nhập bình quân của nông dân trồng rau an toàn trên 100 triệu đồng/ha/năm, các hộ nuôi bò sữa có thu nhập trên 170 triệu đồng/hộ/năm (đối với những hộ nuôi từ 8 con trở lên), các hộ trồng hoa, cây kiểng thu nhập trên 200 triệu đồng/hộ/năm …

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra chậm và mang tính tự phát, việc triển khai các dụ án đầu tư theo chương trình mục tiêu và đầu tư hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn còn chậm, chưa đúng tiến độ … Đó là những vấn đề mà ngành nông nghiệp và PTNT thành phố cần tập trung giải quyết trong năm 2005.

 

(Duc-KHTC)

Số lượt người xem: 5695    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm