SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
7
9
3
8
0
9
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 23 Tháng Mười 2019 8:45:00 SA

10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020

Trong 2 ngày (18/10 và 19/10/2019), tại tỉnh Nam Định, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; năm 2009 Ban Bí thư chọn 11 xã của cả nước xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Năm 2010, từ Trung ương đến 63 tỉnh thành tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trung ương đã ban hành các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp gồm chính sách khuyến nông, khuyến công; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy hợp tác, liên kết tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; chính sách đất đai, phát triển hợp tác xã… Các tỉnh thành chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo đặc thù phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương như chính sách hỗ trợ xi măng và vật liệu xây dựng để dân tự làm đường của các tỉnh Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nam…; chính sách hỗ trợ lãi suất, nâng mức cho vay để triển khai các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới của thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng…

Kết quả, sau hơn 9 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 10 năm 2019, cả nước có 4.665 xã (chiếm 52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 35,3% so với cuối năm 2015 và hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010 - 2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Có 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao; có 08 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ). Cả nước đã có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tổng nguồn vốn đầu tư chương trình 2.418.471 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là 319.289 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối liên thông. Xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743 km đường giao thông bảo trì, khôi phục 139.155 km đường giao thông. Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đồng bộ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương. Đến nay, cả nước đã xây dựng được 904 hệ thống thủy lợi phục vụ tưới, tiêu từ 200 ha trở lên, với 6.336 hồ chứa nước có dung tích từ 50.000 m3 trở lên, gần 16.000 đập dâng kiên cố các loại, gần 12.000 trạm bơm điện có tổng lưu lượng từ 1.000 m3/giờ trở lên, trên 290.000 km kênh mương các loại. Cùng với đường giao thông thôn nông thôn, hệ thống trường học các cấp ở nông thôn đã được các địa phương đặc biệt chú trọng, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng trường mới đồng bộ, bổ sung các phòng học và phòng chức năng, tăng cường trang thiết bị dạy học, thư viện, khu rèn luyện thể lực - kỹ năng, nhà vệ sinh, cải thiện cảnh quan sự phạm xanh - sạch - đẹp, các phòng bộ môn từng bước được trang thiết bị theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, đảm bảo mỗi xã có đủ 3 trường (mẫu giáo/mầm non, tiểu học và trung học cơ sở).

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng, quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao; chuyển mạnh sang sản xut hàng hoá theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, cả nước gắn với thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, các địa phương đã tập trung đầu tư và đã phát triển trên 27.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn, trong đó, phát triển được 1.478 chuỗi nông sản an toàn và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của toàn ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm. Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích tăng mạnh, bình quân cả nước năm 2018 đạt 98 triệu đồng/ha đất trồng trọt, tăng 36% so với giá trị đạt được năm 2010 với 72 triệu đồng/ha. Một số địa phương giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích rất cao như thành phố Hồ Chí Minh đạt 502 triệu đồng/ha, Hà Nội đạt 259 triệu đồng/ha, Đồng Nai đạt 228,8 triệu đồng/ha, An Giang đạt 173 triệu đồng/ha, Lâm Đồng đạt 169 triệu đồng/ha. Tổng kinh ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong 9 năm đạt 269 tỷ USD (bình quân 30 tỷ/năm) với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,3%/năm.

Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng 2,78 lần từ mức 12,8 triệu năm 2010 lên mức 35,88 triệu đồng/người năm 2018. Khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị giảm từ 2,1 lần năm 2010 xuống còn 1,8 lần năm 2018 (vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm xuống còn 1,41 lần, vùng Đông Nam Bộ 1,57 lần, trong đó, thành phố Hồ Chí Minh giảm xuống còn 1,32 lần với thu nhập ở nông thôn đạt 58 triệu đồng/người năm 2018). Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm) giảm từ 17,35% năm 2010 (theo tiêu chí cũ) giảm xuống 7,03% năm 2018 theo tiêu chí nghèo đa chiều) và đến nay chỉ còn khoảng 4,8%; nhiều địa phương có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương…

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hưởng ứng, phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã chỉ đạo các cấp hội trong cả nước hưởng ứng, tham gia, gắn phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” với “Phong trào Cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng nông thôn mới”. Hội Nông dân Việt Nam đã tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ đường biên, mốc giới, thông qua các hội thi “Tiếng hát đồng quê”, “Nhà nông đua tài”, “Điểm sáng vùng biên”. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia xây dựng nông thôn mới với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” kết hợp với phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”... Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn. Những phong trào đang dần dần nâng cao ý thức của cư dân nông thôn về giữ gìn môi trường sinh thái và môi trường xã hội.                                                  

  Đ.K

 


Số lượt người xem: 42214    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm