SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
3
0
6
2
4
Các lĩnh vực khác 12 Tháng Tám 2009 2:20:00 CH

Jatropha curcas, nguồn năng lượng sinh học cho tương lai

Cây Jatropha Cuercas L. thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae, tên thông thường ở Việt Nam: Cọc giậu, Cọc rào, Dầu mè, Dầu lai…nguồn gốc từ Mexico và Trung Mỹ, được đưa đi trồng ở Châu Phi, Châu Á, sau đó được trồng ở nhiều nước cận nhiệt đới và nhiệt đới trên toàn thế giới.

        Ngày 22 tháng 12 năm 2006, Viện Dầu khí Việt Nam và Trường Đại học Bách Khoa TP. HCM đã tổ chức hội thảo quốc gia về công nghệ ô tô, động cơ và nhiên liệu nhiên liệu thay thế tại thành phố Hồ Chí Minh. Phần lớn các báo cáo trình bày tại hội nghị tập trung vào việc ứng dụng nhiên liệu sinh học.

Trước viễn cảnh khủng hoảng nguồn năng lượng trong tương lai, nhất là năng lượng dùng cho việc vận chuyển, sản xuất tại các vùng nông thôn, hai thập niên qua, nhiều nhà khoa học đã tập trung vào nghiên cứu, tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế. Hiện nay, một số nguồn năng lượng mới được sử dụng như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy triều, ethanol từ mía đường, một số loại dầu sinh học chiết xuất từ cây lương thực…

Theo Hội Năng lượng Quốc tế (IEA), việc sử dụng năng lượng từ dầu mỏ cho việc vận chuyển sẽ tăng gấp đôi trong vòng 25 năm tới và hiệu ứng nhà kính, hiện tượng nóng dần của trái đất sẽ tăng song song với việc sử dụng xăng dầu.

Cây Jatropha và sự phát triển:

Sau khi Thủ tướng phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, đã có nhiều đơn vị, cá nhân tập trung nghiên cứu phát triển cây Jatropha. Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp Hội doanh nghiệp và Trang trại Nông dân Nông thôn Việt Nam tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển cây Jatropha curcas làm nguyên liệu sinh học ở Việt Nam”.

Cây Jatropha Cuercas L. thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae, tên thông thường ở Việt Nam: Cọc giậu, Cọc rào, Dầu mè, Dầu lai…nguồn gốc từ Mexico và Trung Mỹ, được đưa đi trồng ở Châu Phi, Châu Á, sau đó được trồng ở nhiều nước cận nhiệt đới và nhiệt đới trên toàn thế giới

Jatropha curcas là cây hoang dại đuợc nông dân trồng làm bờ rào và làm thuốc, nhưng với những phát hiện mới của các nhà khoa học cho thấy rằng, Jatropha curcas có tiềm lực to lớn trong việc dùng làm nguyên liệu sản xuất dầu diesel sinh học.

          Tại Châu Âu, người ta đã đặt ra tỷ lệ 5,75% cho việc sử dụng năng lượng sinh học trong năm 2010 và 20% đến năm 2020.

          Bộ Năng lượng và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết hỗn hợp dầu sinh vật B 100 (100% dầu chiết xuất từ hạt cây Jatropha) hoàn toàn không thải khí carbonic (CO2) vào không khí, giảm 30% hạt bụi và carbon monoxide (CO), vì thế có thể giảm 50% ảnh hưởng lên sức khỏe của người dân

          Theo hãng tin BBC, Chiếc máy bay Boing 747-400 của hãng hàng không Air New Zealand (ANZ) đã hoàn thành hai giờ bay thử nghiệm với một động cơ chạy bằng xăng máy bay chuẩn A1 kết hợp với dầu được chiết xuất từ hạt cây Jatropha.

          Tại Ấn Độ, năm 2003, Hội đồng Kế hoạch Quốc gia Ấn Độ thiết lập Ủy ban Phát triển dầu sinh học (bio-fuel) và đưa ra chương trình thay thế 20% lượng dầu dùng cho di chuyển trong toàn quốc. Kế hoạch cho năm 2013 là pha trộn 13 triệu tấn dầu cây Jaropha với xăng nhập khẩu, nghĩa là gấp 1.000 lần mức sản xuất dầu Jatropha hiện nay (2006) của quốc gia này.

          Kế hoạch sử dụng 11 triệu hecta đất cằn cỗi không còn khả năng canh tác nông nghiệp. Do đó, Ấn Độ tiếp tục trồng khoảng 400.000 hecta hàng năm trên 8 tiểu bang có nhiều đất không còn khả năng canh tác nông nghiệp. Kế hoạch này có sự tham gia trực tiếp của Bộ Môi trường, Bộ Nông nghiệp, Bộ Dầu khí, Bộ Công nghiệp và Bộ Cải thiện đời sống.

          Ấn Độ là quốc gia đứng thứ sáu trong việc tiêu thụ xăng dầu. Mức tiêu thụ tăng khoảng 5,6% mỗi năm và 80% lượng xăng dầu được nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, việc đẩy mạnh trồng cây Jatropha để tạo nguồn năng lượng sinh học là một chính sách quốc gia nhằm giải quyết việc khủng hoảng năng lượng trong tưong lai, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, cải thiện môi trường, cải tạo đất và bảo vệ sự thoái hóa của đất. Việc làm này của Ấn Độ đã mở ra kỷ nguyên mới cho các vùng đất cằn cỗi, tái sử dụng diện tích đất do nạn phá rừng và bảo vệ sự thoái hóa đất do xói mòn gây ra.

          Lợi ích của cây Jatropha:

          - Về kinh tế, xã hội:

Hạt của cây Jatropha có hàm lượng dầu trên 30%, từ hạt ép ra dầu thô, từ dầu thô tinh luyện thành dầu diesel sinh học và Glyxerin. Loại dầu này giảm thiểu được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, không có lưu huỳnh nên rất thân thiện với môi trường.

          Một hecta trồng cây Jatropha có thề cho năng xuất 10 tấn hạt/ha/năm sẽ sản xuất:

-          Dầu diesel sinh học: 3 tấn x 700 USD/tấn = 2.100 USD

-          Bã khô dầu         :  7 tấn x 300 USD/tấn = 2.100 USD

Như vậy 1 hecta trồng cây Jatropha tạo ra giá trị khoảng: 4.200 USD/năm (hơn 70 triệu đồng/năm).

Dầu chiết từ hạt cây Jatropha có thể dùng trực tiếp hoặc pha trộn với các loại xăng dầu cổ điển. Việc chế biến dầu từ hạt tương đối đơn giản. Sau khi chế biến dầu còn có thể thu được Glycerin, một loại hóa chất có rất nhiều ứng dụng trong công nghệ. Giá thành của dầu chiết xuất từ hạt của cây Jatropha rẻ hơn nhiều so với các loại dầu khác.

Bã sau khi ép dầu làm phân hữu cơ và thức ăn chăn nuôi: Bã dầu khô có hàm lượng N 4,14 – 4,78 %, P2O5 0,5 – 0,66 %, CaO 0,60 – 0,65 %, MgO 0,17 – 0,21 % được sử dụng làm phân hữu cơ rất tốt để bón cho các loại cây trồng, nhất là các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, vừa sản xuất sản phẩm sạch, vừa tăng độ phì cho đất. Trong thành phần hạt cây Jatropha có độc tố Curcin có thể gây tử vong cho người và gia súc nhưng nếu khử hết độc tố này, nó trở thành loại thức ăn giàu dinh dưỡng cho các loại gia súc, gia cầm, góp phần giải quyết nhu cầu thức ăn công nghiệp cho tương lai.

Cây xóa đói giảm nghèo: Do trồng trên các vùng đất cằn cỗi, nghèo kiệt, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, vùng miền núi nghèo, cây Jatropha sẽ tạo nhiều việc làm và thu nhập khả quan cho đồng bào đân tộc.

- Về môi trường:

Cây Jatropha là cây lâu niên, tuổi thọ khoảng 50 năm, sinh trưởng phát triển được trên các loại đất xấu, nghèo kiệt, đất dốc, đất trơ sỏi đá, không cháy, không bị gia súc ăn, phủ xanh đất trống, đồi trọc rất tốt. Do đó, việc trồng cây Jatropha trên vùng đất dốc sẽ sớm tạo ra thảm thực bì dày đặc, chống xói mòn, chống cháy, nâng cao độ phì của đất. Ngoài ra, nó còn được trồng trên các vùng đất sa mạc hóa, bãi thải khai thác khoáng sản.

Là loại dầu sạch so với xăng và dầu diesel. Sử dụng dầu trong vận chuyển sẽ giảm bớt sự phát tán khí carbon monoxide (CO), hạt bụi lơ lững trong không khí và một số khí độc hại khác ảnh hưởng đến sức khỏe của dân cư sống trong môi trường đô thị, giảm nguy cơ trẻ em bị chết non vì không khí ô nhiễm

Đối với hiệu ứng nhà kính và và sự ấm dần của trái đất, dầu cây Jatropa đã hấp thụ carbon trong không khí và đất, trong khi đó các loại năng lượng khác như dầu mỏ hoặc than đá khi sử dụng thải ra môi trường một khối lượng khổng lồ carbon dioxide (CO2 ). Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, dầu thực vật dùng trong việc vận chuyển làm giảm sự phát thải CO2,  không tải ra Sulfur dioxide ( SO2 ) và giảm 90% nguy cơ ung thư do các chất khí độc hại này gây ra.

          - Làm thuốc:

Theo viện nghiên cứu cây thuốc và vị thuốc của Ấn Độ, đã chiết xuất được những hợp chất chủ yếu như Tecpen, Flavon, Coumarin, Lipit, Sterol và Alkaloit. Nhiều bộ phận của cây Jatropa có thể chữa được bệnh. Rễ trị tiêu chảy, cầm máu, trị ngứa; dầu của hạt làm nhuận trường; nhựa tiết ra từ vết thương của cành trị viêm lợi, làm lành vết thương, chữa bệnh trĩ; nước sắc từ lá chữa trị bệnh phong thấp, đau răng…

          Hướng phát triển:

Việc trồng cây Jatropha có thể là một giải pháp tuyệt vời cho các nước nghèo, sống nhờ vào nông nghiệp. Hai phần ba dân số của các quốc gia đang phát triển trên thế giới, nguồn lợi chủ yếu của họ từ đất đai, vì thế việc trồng cây này sẽ giúp họ thoát cảnh nghèo đói, nông dân tăng thêm nguồn lợi và cải thiện đời sống. Trên bình diện quốc gia, nhà nước có thể đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và hướng người nông dân trồng, sản xuất nguồn dầu thực vật này. Nhà nước đầu tư thêm công nghệ mới, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân sống tại nông thôn và phát triển thêm phúc lợi xã hội, đồng thời giảm thiểu ngoại tệ dùng cho việc nhập cảng xăng dầu.

Trên thế giới hiện nay, nếu trồng 30 triệu hecta đất cằn cỗi vẫn không ảnh hưởng đến sản xuất nông phẩm và an ninh lương thực, nhưng việc làm này có thể giúp cho hàng tỷ người đang sống trong cảnh nghèo đói triền miên. Đối với các quốc gia đang dò dẫm từng bước trong việc phát triển cây này, trong đó có Việt Nam, việc trồng cây Jatropha trở thành chiến lược quốc gia sẽ là giải pháp hữu hiệu và hợp lý.

 

 

                                                                   Nguyễn Sơn Thụy

                                                                   Chi cục Lâm nghiệp TP.HCM


Số lượt người xem: 5518    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm