SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
5
5
0
5
7
Thuỷ sản 17 Tháng Tám 2009 4:20:00 CH

Những mô hình nuôi tôm có hiệu quả (tiếp theo)

Mô hình 3: Nuôi tôm Sú quảng canh ghép các loài thủy sản khác.

 

Hiện nay, những diện tích nuôi tôm Sú trong các vùng nuôi tôm có quy hoạch tập trung hầu hết đều là những hình thức nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh; đây là những mô hình cho năng suất rất cao (từ 2,5 tấn/ha/năm đến 4-5 tấn/ha/năm) và mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Tuy nhiên, hiện vẫn có những vùng nuôi tôm tập trung không được quy hoạch hoặc quy hoạch sau hình thành, hệ lụy là cơ sở hạ tầng không đảm bảo, một số hộ nông dân nghèo không có điều kiện đầu tư, nuôi tôm theo hướng tự phát (nhưng cũng thả một lượng giống lớn trên cùng một diện tích như các hộ có điều kiện đầu tư) đan xen trong khu vực này tự ý xổ xả nước thải vào nguồn nước chung làm lây lan dịch bệnh. Thêm vào đó, việc cung cấp thức ăn, hóa chất xử lý ao, thuốc thú y với một lượng lớn làm tăng hiện tượng suy thoái vùng nuôi và cũng góp phần làm sụt giảm năng suất ao nuôi trong những vụ nuôi kế tiếp.

Một mô hình nuôi đang được áp dụng khá phổ biến ở tỉnh Bình Định cho những hộ nuôi không có điều kiện đầu tư như kể trên, đó là hình thức nuôi tôm Sú quảng canh ghép với cá và cua, đây còn gọi là hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến thân thiện môi trường; mô hình này vừa ít tốn chi phí đầu tư, vừa không làm suy thoái ao nuôi vừa có hiệu quả kinh tế.

Phương thức:

- Khi nuôi tôm Sú có ghép cá và cua, giống tôm Sú phải đạt kích cỡ 4 – 5 cm/con (Post larvae 45 trở lên), do đó người nuôi sẽ ương Post larvae 15 trong giai (vèo) ngay trong ao nuôi (hình 1) để khỏi tốn chi phí cho 01 ao ương riêng – thời gian ương là 25 - 30 ngày. Kỹ thuật ương áp dụng theo tiêu chuẩn ngành 28TCN 125: 1998 – Quy trình ương tôm Sú, tôm He từ Post larvae 15 đến 45 ngày tuổi.

Vì đây là hình thức ương tôm giống trong giai dễ chăm sóc nên mật độ ương có thể thả đến 1.000 con Pl.15/m2 ( nhiều hơn so với tiêu chuẩn ngành: 250 con/m2); kích thước giai thông thường là 5m x 20m x 1,5m. Trong trường hợp người nuôi không có điều kiện đầu tư mua giai, cũng có thể ương trực tiếp trong ao (hình 2) bằng cách chia ao nuôi ra làm 02 ao: 01 lớn và 01 nhỏ, được ngăn cách bởi 01 bờ nhỏ và không có cống thông nhau; sử dụng ao nhỏ để ương nhưng phải đảm bảo mật độ theo tiêu chuẩn ngành (200-250 con/m2). Khi tôm ương đã đạt kích cỡ nuôi, phá một đoạn bờ (khoảng 4-5 m) để tôm giống hoà đều toàn ao; tuy nhiên, tốt nhất nên ương trong giai để dễ chăm sóc, xác định được tỷ lệ sống sau khi ương và đạt hiệu quả hơn.

Tôm ương được cho ăn 4 lần/ngày, thức ăn gồm lòng đỏ trứng, bột cá và thức ăn công nghiệp dành riêng cho tôm Post. Thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe tôm, nếu thấy tôm chậm lớn có thể trộn thêm thức ăn bổ sung như: Vitamin, chất khoáng…đồng thời kiểm tra đáy giai để có thể tính toán lượng thức ăn cho phù hợp.

- Khi tôm đã đạt kích cỡ 4-5 cm (sau 25-30 ngày ương), loại bỏ những con chết, yếu; thả số tôm khỏe mạnh này ra ao sau khi đã tính toán tỷ lệ thả nuôi cho phù hợp với diện tích ao nuôi, thông thường mật độ nuôi là 5-7 con/m2 đối với ao không làm sạch và gia cố nền đáy và mật độ là 10 con/m2 đối với ao có nền đáy được gia cố tốt.

- Sau khi nuôi được 1 tháng thì mới tiến hành thả cá và cua:

     * Đối với cua: Hiện nay đa số nông dân đã quen dần với việc nuôi cua với giống nhân tạo vì giống cua tự nhiên không thể đáp ứng đủ cho nhu cầu nuôi, đồng thời sử dụng giống cua nhân tạo sẽ phù hợp và chủ động hơn đối với mô hình nuôi ghép;

Thông thường tại các trại sản xuất cua giống, sản phẩm xuất trại là loại có kích thước 01 cm (đo theo chiều ngang của mai) còn gọi là cua hạt me (vì có kích thước như hạt me), người nuôi nên thỏa thuận với trại bán giống ương tiếp để cua giống đạt kích cỡ 1,5 – 2 cm thì mới mua thả ghép với mật độ là 0,2 con/m2.

     * Đối với cá: Phổ biến ở các tỉnh như Bình Định, Phú Yên nông dân thường thả nuôi ghép là cá Măng vì đây là loài cá có giá trị kinh tế cao hơn các loài cá khác; một số địa phương lại thả cá Rô phi đen hoặc cá rô phi đỏ vì chúng là những loài cá hiền  có tập tính ăn mùn bã hữu cơ nên có tác dụng làm sạch đáy. Để phù hợp, người nuôi nên chọn các loài cá kể trên tùy theo nhu cầu khi độ mặn của nước nuôi > 20; riêng đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh có độ mặn nước nuôi < 20 thì nên thả ghép với cá Rô phi đơn tính vừa có hiệu quả kinh tế vừa làm sạch nền đáy. Cá thả ghép nên chọn cá giống có kích thước 10-20 g/con và thả với mật độ 0,1 con/m2.

Với hình thức nuôi ghép tôm cua cá như kể trên (trong đó tôm là đối tượng nuôi chính) và được thả ghép với mật độ theo hướng dẫn, hầu hết các hộ nông dân đều đạt năng suất bình quân 1.200-1.300kg/ha/vụ (riêng năng suất tôm thường đạt 700-800 kg, cá 300 kg, cua 200kg) và các hộ ở Bình Định thường lãi từ 30-40 triệu đồng/ha/vụ.

Như vậy, hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến thân thiện môi trường đã và đang dần được nông dân áp dụng vì mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, đặc biệt là không làm suy thoái vùng nuôi, giúp người dân sản xuất liên tục nhiều năm với hiệu quả ổn định; đồng thời nâng cao được ý thức bảo vệ môi trường nuôi đối với những người tham gia nuôi theo hình thức kể trên và cộng đồng chung quanh.

                                                               Trịnh Biên

                                                         Phòng Thủy sản

(Theo Trung tâm Khuyến ngư và Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thủy sản tỉnh Bình Định)


Số lượt người xem: 24933    
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm