SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
5
3
9
5
0
Thuỷ sản 07 Tháng Bảy 2009 4:20:00 CH

Những mô hình nuôi tôm có hiệu quả cao (tiếp theo)

Mô hình 2: Nuôi tôm theo phương pháp hạn chế thay nước

 

    Nuôi tôm theo phương pháp hạn chế thay nước

Ở những vùng nuôi tôm không hoặc chưa được quy hoạch hoàn chỉnh thì cơ sở hạ tầng về thủy lợi rất hạn chế, thậm chí có những địa phương không thực hiện được các công trình thủy lợi phục vụ nuôi tôm vì vướng vào công tác đền bù giải tỏa (như xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) hoặc diện tích nuôi tôm được quy hoạch dành cho công nghiệp nhưng chưa triển khai (như xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè); điều này dẫn đến tình trạng: nguồn cung cấp nước nuôi cho hộ này lại chính là phần nước thải ra của hộ kia, từ đó làm lây lan dịch bệnh, tôm chết hàng loạt và gây thiệt hại kinh tế cho địa phương.

Trong hoàn cảnh bất lợi đó, phương pháp nuôi tôm hạn chế thay nước hoặc không thay nước là một trong những phương pháp thích hợp được áp dụng có cân nhắc và tránh được những rủi ro từ môi trường bên ngoài gây ra.

Phương pháp dựa trên những nguyên tắc sau:

Nguyên tắc1:

Ao nuôi phải có độ sâu từ 1,5 – 1,6m, phải được tu bổ, sửa chữa kỹ lưỡng và phải được lót bạt toàn bộ bờ ao; đồng thời đáy ao cũng phải đầm nén thật kỹ để tránh rò rỉ. Phải làm hạn chế tối đa việc thất thoát nước theo các lỗ mọi trên các thành bờ ao; như vậy lượng nước mất đi chủ yếu chỉ là do bốc hơi.

Nguyên tắc 2:

Phải có 01 ao lắng để chuẩn bị nước ban đầu và chuẩn bị nước dự phòng. Trong trường hợp ao lắng nhỏ (chỉ chiếm 20-30% diện tích ao nuôi), cũng phải cấp nước vào ao lắng làm nhiều lần để xử lý rồi mới đưa vào ao nuôi và tiến hành kiểm tra thật kỹ trước khi thả tôm giống.

Nguyên tắc 3:

Luôn theo dõi, phân tích các chỉ số của môi trường nước trong suốt quá trình nuôi để kịp thời điều chỉnh và xử lý cho phù hợp.

Quy trình nuôi:

Để tiến hành nuôi tôm theo phương pháp hạn chế thay nước, người nuôi có thể áp dụng theo quy trình sau đây:

- Cấp nước vào ao lắng (phải qua lưới lọc), và thực hiện các bước xử lý nước tương tự như quy trình nuôi thông thường. Tuy nhiên, vì đây là phương pháp nuôi hạn chế thay nước nên liều lượng các hóa chất diệt khuẩn, cá tạp, giáp xác…phải cao hơn liều lượng thông thường từ 10 – 15% nhằm đảm bảo nguồn nước sạch mầm bệnh.

- Sau khi đã chuẩn bị ao thật kỹ theo nguyên tắc 1, tiến hành cấp nước từ ao lắng vào cho đủ 1,2 m độ sâu, kiểm tra thật kỹ các đường rò rỉ, khi đã thật chắc chắn nước không bị thất thoát, bón phân gây màu (gây tảo) và tiến hành thả giống.

- Rào lưới nylon có kích thước mắt lưới a = 2-3 mm chung quanh ao, phải đảm bảo độ cao từ 0,5 m trở lên và phải thật sát bờ ao nhằm ngăn chặn các loài địch hại xâm nhập, nhất là giúp cho tôm rơi trở lại ao khi phóng lên bờ.

- Thực hiện các bước chăm sóc, cho ăn như quy trình nuôi thông thường; tuy nhiên, phải tăng cường các loại Vitamin, chất khoáng bổ sung vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.

- Sau 01 tháng nuôi, sử dụng quạt nước cho đủ với diện tích ao, tốt nhất nên tăng cường cao hơn mức bình thường.

-  Từ tháng thứ 2 trở đi, tiến hành kiểm tra đáy ao thường xuyên, nếu phát hiện đáy ao có nhiều mùn bã, chất thải thì phải sử dụng các chất sinh học để phân hủy và làm sạch, không để các chất này làm ô nhiễm nước và làm mất oxy trong ao (các chất này hiện nay đang được sử dụng rất phổ biến ở các ao nuôi cá thâm canh với mật độ 40 - 50 con/m3, hoặc các ao nuôi tôm thâm canh với mật độ 30 – 40 con/m2).

- Luôn theo dõi các yếu tố thủy lý thủy hóa của môi trường nước ao nuôi để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Thường xuyên mời cán bộ kỹ thuật, cán bộ kiểm dịch tư vấn trong suốt quá trình nuôi; nên lấy mẫu nước định kỳ ½ tháng/lần để phân tích các chỉ tiêu môi trường.

- Từ 02 tháng nuôi trở đi, nước trong ao nuôi sẽ bốc hơi do nắng và nhiệt độ không khí, nhưng nếu lượng nước hao hụt không nhiều (mực nước trong ao chỉ giảm xấp xỉ 10 -15 cm) thì không cần cấp thêm nước; nhưng nếu lượng hao hụt vượt quá 20% thì phải cấp thêm nước từ ao lắng đã được xử lý.

- Cần chuẩn bị sẵn những chum chứa nước muối đậm (nồng độ 30 - 40%), đặt bên cạnh ao và có nắp đậy; nước muối này sẽ được sử dụng tạt vào ao nếu trời mưa liên tục nhiều giờ và nhiều ngày.

- Khi gần đến ngày thu hoạch, mực nước trong ao xuống còn 80 – 90 cm, nhiệt độ trong ao sẽ tăng cao và lượng oxy hòa tan giảm; con tôm sẽ có khuynh hướng cảm ứng với tiếng động và các tác động vào ao nuôi và sẽ nhảy lên khỏi ao, do đó người nuôi cần hạn chế tiếng ồn và thường xuyên tuần tra chăm sóc, bảo vệ ao.

Với phương pháp nuôi tôm hạn chế hoặc không thay nước này, người nuôi sẽ yên tâm hơn với những tác động ô nhiễm từ bên ngoài, nhất là nguồn nước xổ ra từ những ao bị nhiễm các bệnh do virus gây ra như: hội chứng đốm trắng, hội chứng Taura, đầu vàng…đồng thời các rủi ro trong quá trình nuôi sẽ được giảm thiểu đến mức thấp nhất và cho hiệu quả cao.

                                                                                            Trịnh Biên

                                                                       Phòng Thủy sản


Số lượt người xem: 7809    
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm