Sáng ngày 03 tháng 01 năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, bà con nông dân cả nước đã chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu; kịp thời nhận định, linh hoạt thích ứng với diễn biến thị trường nông sản; tăng cường và chủ động xử lý sớm dịch bệnh cây trồng vật nuôi, kiểm soát sản xuất an toàn; từng bước khắc phục những yếu kém nội tại của sản xuất nhỏ trước đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn... Nên ngành nông nghiệp và PTNT cả nước đã đạt được kết quả cao, toàn diện, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất hơn về 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.
Các chỉ tiêu chủ yếu tổng hợp đều vượt kế hoạch cả năm và cao hơn năm trước: GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây. Giá trị sản xuất tăng 3,86%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 42,4%, kim ngạch xuất khẩu 40,02 tỷ USD. Kết quả trên các lĩnh vực cụ thể như sau:
- Lĩnh vực trồng trọt: Các địa phương đã chuyển 105 ngàn ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Cùng với đó, ứng dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, nên diện tích lúa giảm, nhưng sản lượng lúa vẫn tăng 1,24 triệu tấn (tăng 2,9%); sản lượng và chất lượng nhiều loại rau màu, trái cây tăng 48 ngàn ha và 300 ngàn tấn so với năm 2017. Nhiều mô hình sản xuất rau, hoa, quả ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ đã đem lại thu nhập cao gấp trên 5 lần so với sản xuất lúa. Giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,52%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,5%). Điểm nhấn trong năm 2018 là các địa phương đã tổ chức các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản kịp thời thông qua hội nghị, lễ hội, diễn đàn kết nối tiêu thụ và quảng bá nông sản, đã giảm thiểu tình hình ứ đọng sản phẩm, giảm thiệt hại cho người sản xuất.
- Lĩnh vực chăn nuôi: Về tổng quát, đã có chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại theo chuỗi. Cơ cấu lại, xác định rõ thứ tự ưu tiên về loại sản phẩm chính gia súc, gia cầm; giải quyết căn bản tình trạng cân đối cung - cầu thịt heo; giá các sản phẩm thịt heo, thịt bò, gia cầm có lợi cho người chăn nuôi. Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu, như thịt heo đông lạnh chính ngạch sang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản. Tổng sản lượng thịt hơi 5,31 triệu tấn, tăng 2,1%. Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 3,98%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,1%).
- Lĩnh vực thủy sản: Tổng sản lượng thủy sản đạt 7,74 triệu tấn, tăng 6,1%; trong đó khai thác đạt 3,59 triệu tấn, tăng 5,5%; nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 6,7%. Tỷ trọng các sản phẩm có giá trị cao tăng mạnh (tôm các loại đạt khoảng 800 nghìn tấn, tăng 7,1%, cá tra đạt khoảng 1,426 triệu tấn, tăng 11,1%). Giá trị sản xuất tăng 6,5%, vượt mục tiêu đề ra (5,29%).
- Lĩnh vực lâm nghiệp: Đã tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, kiểm soát chặt chẽ quản lý rừng tự nhiên; chú trọng trồng rừng ven biển; đẩy mạnh thâm canh, chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; khai thông thị trường quốc tế cho xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC là 245.061 ha, tăng 110.081 ha so với năm 2015. Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 2.860 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2017; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; sản lượng gỗ khai thác trong nước đạt 18,5 triệu m3, là những chỉ tiêu đạt cao nhất từ trước đến nay. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 6,10%.
- Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản: Tiếp tục được nâng cao năng lực, chế biến sâu (năm 2018 có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt heo, gia cầm hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng được khởi công và khánh thành) sản xuất cung ứng nông sản với chất lượng cao, mức tổn thất nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo đã giảm xuống còn dưới 10%...).
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Triển khai quyết liệt các biện pháp để giải quyết dứt điểm nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, cả nước có 3.787 xã (đạt 42,4%) và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 718 xã (đạt 8,05%) và 18 huyện so với năm 2017; bình quân đạt 14,33 tiêu chí/xã; chỉ còn 21 xã dưới 05 tiêu chí; 92% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (tăng 2%). Các nhiệm vụ giảm nghèo, bố trí sắp xếp dân cư, phát triển làng nghề và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện hiệu quả hơn.
Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng chuẩn bị hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển đất nước, kế hoạch phát triển ngành, tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành nông nghiệp xác định và hướng tới “Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”.
Toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 42 - 43 tỷ USD; có 48 - 50% xã và 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng trên 41,85%.
Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là tiếp tục cơ cấu lại ngành và đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Phát triển nông thôn, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quản lý tài nguyên; chú trọng phát triển thủy lợi và phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Tích cực xây dựng thể chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Đ.K